Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

NGƯỜI QUÊ LÂM


            Sau những lời " động viên" vừa nhẹ nhàng tình cảm vừa nhuốm màu bạo lực của những người Quế Lâm Diệu Huyền, Tiến Hoàn, Quang Trung,...Con dê QL xin e ấp có mấy lời thưa rằng:
             Hắn gặp người QL đầu tiên vào tháng 8 năm 1962 khi cùng về dạy học ở một trường rồi thân rồi thương rồi ... mê mẩn đến độ ngay tháng 8 năm sau đã hồi hộp ra bản tuyên bố sống chung. Vâng, đó là người QL Trần Minh Hà (K6). Thế rồi đời cứ lần lượt được gặp những người QL mà thoạt đầu là những Ninh Sơn, Bạch Kim, Tôn Kim Khuê và sau đó là Kim Tuyên, Đức Cung, Thiên Hương, Quang Bùi, Diệu Hiền, Diễm Hằng, Hồng Liên, Mộng Thu, Lê Vinh, Quốc Anh, Chu Hảo,. rồi Diệu Huyền, Đỗ Đồng, Minh Ngọc, Quang Trung,Minh Đức, Duy Khắc, Xuân Nguyên, Công Kỳ, Tiến Hoàn,...kể sao cho xiết.Sau gần ba chục năm gắn cuộc đời với con số ( dạy toán) đến tuổi tri thiên mệnh hắn bộng giật mình thực hiện một cú rẽ trái khá ngoạn mục sang con chữ ( làm nhà báo).Hắn khá thành công với thể loại khắc họa chân dung với sự góp sức bằng giới thiệu đề tài tạo cảm hứng từ những người QL Minh Hà, Kim Tuyên,Minh Ngọc. Hắn cũng tập tọng viết truyện ngắn đọc tàm tạm nên bạo phổi in mấy cuốn từ NXB Hội Nhà văn có một vài chuyện mà cái tứ chủ đạo của nó lại là khởi nguồn từ những lần chuyện trò vừa hừng hực lửa thời đi B, vừa thật mơ mộng liêu trai của chàng họa sỹ người QL Đỗ Đồng. Hôm nay xin phép chào làng bằng một truyện ngắn mà khi người QL Minh Nhật dọc xong đã khẳng định "Ông là người Hương Sơn" làm hắn ngượng bởi hắn chưa hề đến vùng đất đó, tất cả đều dựa vào lưng của một ông cậu của người QL Minh Hà.

Trinh nguyên
                        Truyên ngắn


 Ngay sau ngày nhận sổ hưu, ông rời Hà Nội về Bãi Vọt - nay là thị xã Hồng Lĩnh, nhưng ông vẫn thấy thân quen với cái tên rất cũ ấy - nằm trên Quốc lộ IA chỗ giao với đường số 8 chạy sang Lào qua cửa khẩu Cầu Treo. Linh Cảm là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông  vào nghề địa chất, nay thì bố mẹ đã mất các em đều sinh sống xa quê nên ở đó chẳng còn ai. Nhưng giữa đất nước Việt Nam rộng lớn này việc chọn Bãi Vọt làm nơi cư ngụ cuối cùng thì chỉ có ông mới biết vì sao. Ông mua căn nhà nhỏ, cạy cục tậu một miếng đất bằng giá tiền mua cả căn nhà bởi “nghề của tôi gắn liền với đất đá mà cả đời chẳng có một miếng vườn riêng nào...” Sáng sáng, ông trở dậy lúc 4 giờ, sau khi tập xong bài Thái cực quyền là ra sau vườn chăm sóc cây cối. Vườn ông có đủ loại rau, mùa nào thức ấy song nhiều nhất là hoa, chủ yếu là phong lan mà có một cành trổ hoa màu tím đẹp rực rỡ lại rất lâu tàn - cành hoa theo ông từ thuở mới vào nghề - và hoa hồng. Trở vào nhà thì đã hơn 8 giờ, sau khi thay hoa cho lọ hồng trên bàn viết, ông đọc báo vốn đã được người bán nhét qua cửa sổ mỗi sáng. Một ấm trà và mấy tờ báo, đó là bữa ăn sáng của ông. Đã quen sống đạm bạc nên ông ăn uống khá đơn giản, rau ráng hái từ vườn nhà mỗi tuần xách giỏ đi dọc phố mua một vài thứ cần thiết cất vào tủ lạnh... Hàng ngày ông đọc sách, dành nửa giờ nhẩn nha viết nhật ký và khi hoàng hôn xuống, ông mở cửa lớn ra đứng trước hiên nhà lặng ngắm suốt dãy con phố hun hút rồi ngẩng đầu đưa mắt đau đáu nhìn về dãy núi mờ xa đến tối mịt mới đóng cửa trở vào. Một năm trời về ở đây, dân hàng phố chẳng thấy ông đi đâu quá một buổi. Thỉnh thoảng cũng có bạn ở xa nhân đi qua ghé thăm còn hầu hết là đám người cao tuổi hàng xóm đến đánh cờ, đàm luận chuyện phố phường chuyện thời sự trong nước, thế giới...  Cuộc sống độc thân của ông già về hưu mới bước qua tuổi sáu mươi tưởng cứ thế mà bình lặng trôi đi thì một chuyển biến động trời xẩy đến...
                                                                               *
                                                                            *    *
Tốt nghiệp trường trung cấp địa chất, Thông đến nhận công tác tại một đội đóng ở Hương Sơn của Liên đoàn địa chất số 4. Chiếc búa vác vai với lỉnh kỉnh đồ nghề trong ba lô đặc dụng, Thông lội suối trèo đèo lang thang khắp núi rừng quê hương tìm quặng, tìm mỏ...  Vốn yêu hoa, nhất là phong lan, nay điều kiện làm việc giúp anh luôn sống gần gũi với thiên nhiên hoa cỏ nên trong lều của đơn vị dù có luôn di chuyển nhưng không bao giờ thiếu hoa tươi. Tính mê phong lan đã đưa Thông đến một sự gặp gỡ thật hi hữu. Số là, lần đó Thông nhận kế hoạch một mình đi khảo sát trên địa bàn đơn vị đã giao cho anh. Mọi thứ đều được chuẩn bị khá đầy đủ cho nhiều ngày từ lương thực đến thuốc men và dụng cụ tác nghiệp, hơn nữa đây không phải là chuyến công tác lần đầu của anh nơi địa bàn quá quen thuộc này. Sáng ấy trên đường đi, Thông chợt phát hiện trên cao một cành hoa phong lan trổ bông tím ngắt đẹp rực rỡ. Anh đứùng lặng hồi lâu ngắm nghía đến ngẩn ngơ, nhưng là lúc đi nên nghĩ bụng sẽ nhớ vị trí để  khi về ghé lấy. Đi chừng nửa cây số, cành hoa lan tím cứ lởn vởn trong đầu làm Thông vấp ngã mấy lần. Anh quyết định quay lại. Thân cây lớn, cành hoa lại treo toòng teng khá cao trên một cành nhỏ, Thông lấy búa đẽo thân cây thành từng bậc để leo lên dần. Đến  cành có hoa, anh nằm lên nó ôm thật chặt thận trọng nhích từng tí bò ra, đến khi đụng được hoa thì gắng sức nhoài người để bóc. Bỗng một tiếng r... ă...  ắ... ắc, cành cây gãy kéo Thông rơi nhanh xuống đất nằm ngất xỉu không còn biết gì nữa... Cảm giác có một dòng nước mát lạnh chảy trên mặt làm Thông bừng tỉnh, anh mở mắt và đối diện ngay với một cô gái đang dùng khăn ướt lau mặt cho mình. Cô gái reo lên: “Anh tỉnh rồi!... nhưng đừng cựa quậy nhé.” Nhìn cặp mắt như dò hỏi của anh, cô gái vắn tắt kể... Cha con cô đi săn qua đây thấy anh nằm bất tỉnh, nhìn biết là cán bộ địa chất bèn mở ba lô lấy võng chặt cây làm đòn khiêng anh về lán đi săn của mình. Cha cô nói anh bị gãy tay và trật khớp cổ chân phải cùng một vài xây xát ở phần mềm may mắn đầu không việc gì, ông đang đi hái lá thuốc...  Thông đưa mắt nhìn thì thấy ngay cành phong lan có hoa màu tím mình trèo lên cây cao bóc được đã yên vị trên cây cột lều xù xì trước mặt. Anh cảm động chăm chú nhìn cô gái thầm cám ơn và lúc này mới nhận ra cô rất đẹp, cái đẹp rực rỡ của nhan sắc tự nhiên chốn núi rừng. Người cha về, ông chẻ tre dã lá nẹp chỗ tay gãy rồi quả quyết cầm bàn chân phải của anh dật mạnh một cái, đau tê tái nhưng Thông cắn răng chẳng giám kêu, đoạn đắp lá thuốc bó lại. Như có phép tiên, anh không còn thấy sự đau đớn nặng nề bứt rứt như  lúc vừa tỉnh dậy. Người cha đến bếp múc ra một tô cháo đưa cho con gái. Cô nhẹ nhàng bón từng thìa cháo hầm chim rừng  cho Thông. Bốn bề yên lặng, lúc lúc chỉ còn nghe tiếng rít dòn tan của ống điếu thuốc lào.
Hai đêm đầu người cha ngủ lại lán canh chừng, nhưng mọi chuyện đều ổn nên các đêm sau ông để Thông nằm một mình. Ông  ít nói, thường chỉ ra hiệu hoặc cần lắm mới nói một hai từ cụt lủn, tình cảm hầu như không bao giờ lộ ra mặt. Cô gái cũng im lặng chạy đi chạy lại tiếp tế thức ăn, đồ uống và những vật dụng cần thiết. Lúc nào cô cũng cùng đến lán với cha. Qua vài hôm Thông biết cô gái tên Hoa, quê ở Phố Châu, nơi con gái nổi tiếng đẹp nhất vùng . Chẳng hiểu vì sao người cha bỏ quê đem đứa con gái mới 3 tuổi lên ở lán này săn bắn sinh sống, sau vào lâm trường Hương Sơn làm công nhân thì lán ở trở thành lều đi săn lúc rảnh rỗi. Điều đầu tiên Thông nhận biết là cô gái rất yêu hoa, từ khi tỉnh lại đến lúc rời nơi dưỡng thương, lúc nào quanh lều cũng rực rỡ hoa tươi được Hoa thay hàng ngày. Mọi sự chăm sóc Thông đều do Hoa làm dưới sự hướng dẫn bằng mắt của người cha. Lúc đầu Hoa đút cho Thông ăn, sau khi tự làm được bằng tay trái Hoa chỉ phụ giúp khi cần. Vết thương trật khớp cổ chân phải tiến triển khá tốt nhờ lá thuốc dấu của người Khùa. Ngày đầu tập đi, tay phải đang nẹp Thông phải dựa hẳn vào vai Hoa, sự đụng chạm khác phái đầy cảm xúc lạ đầu tiên khiến cả hai cùng đỏ mặt... Người cha lừ mắt...  Kể từ đó mọi việc giúp Thông có đụng chạm thân thể đều do ông làm. Sáng hôm ấy, sau khi tự tập di chuyển quanh lều, Thông mệt lử lần đến giường nằm thở hổn hển thì Hoa xuất hiện và thật bất ngờ, chỉ một mình. Cô nhanh nhẹn lau mồ hôi cho anh, đỡ ngồi dậy giúp thay cái áo đã ướt đẫm mồ hôi rồi cài một bông hồng đỏ thắm vừa mang đến lên túi áo bên trái của anh. Cô đứng bất động nhìn anh với đôi mắt long lanh là lạ... Như có một luồng điện chạy rân rân khắp cơ thể, anh xúc động nắm chặt bàn tay phải của cô... Chính giây phút ấy người cha ào vào như một cơn lốc với cặp mắt nẩy lửa, ông dật tay Hoa ra kéo cô chạy ra khỏi lều... Ngày hôm ấy Thông nằm  một mình, anh rút bông hồng từ túi áo ngắm nghía hồi lâu rồi chuyển mắt nhìn trân trân cành phong lan của mình vẫn treo trên cột trước mặt. Hôm sau, người cha xuất hiện chỉ một mình, không nhìn Thông và im lặng làm những việc chăm sóc thường nhật. Anh lấm lét nhìn ông, không giám mở miệng nói lời xin lỗi. Từ đó anh chẳng được gặp Hoa nữa...
Sau mươi hôm dưỡng thương ở lán đi săn, đơn vị tìm thấy Thông, họ vui mừngï cám ơn người cha và xin đưa anh về. Thông ngẩn ngơ nhìn dáo dác ra cửa như tìm kiếm...  một lát mới ấp úng cám ơn ông và xin mang theo cành phong lan. Người cha cúi đầu  tránh nhìn Thông, ông đâu biết trong túi áo ngực anh là một bông hồng, kỷ vật của Hoa.
Thông về chừng một tuần thì đơn vị được lệnh chuyển sang một địa bàn khác nên nửa năm sau anh mới có điều kiện trở lại cánh rừng có căn lều đi săn của cha con Hoa. Anh đã hoảng hốt chứng kiến cảnh hoang tàn của nó. Mái và tường sau đã sụp đổ. Ba ông đầu rau của cái bếp đỏ lửa ngày nào giờ nằm nghiêng ngả, lưới nhện giăng ngang dọc khắp nơi. Chiếc giường anh nằm đã gãy chân nằm ệp xuống nền đất , mùi ẩm mốc xông lên khiến anh không chịu nổi phải chui ra ngoài nhưng vẫn còn kịp nhìn xác những cành hoa, nỗi đam mê chung của hai người lúc ấy, vẫn còn dính chặt vào vách lều. Thông chạy như ma đuổi vào lâm trường Hương Sơn cầu mong sẽ gặp được cha con Hoa. Nhưng...  người cha đã xin nghỉ việc dắt con gái rời lâm trường dễ chừng cũng đến cả nửa năm rồi. Đi đâu ư? Chẳng ai biết cả. Thông lủi thủi ra về chôn chặt trong lòng mọi dự tính tràn đầy hạnh phúc ấp ủ bấy nay...
Nghề nghiệp đưa Thông đi khắp núi rừng miền Trung cho đến lúc được điều về  Tổng cục. Hành trang của ông là chiếc ba lô đặc dụng đeo toòng teng một cành phong lan hoa màu tím, nơi túi áo ngực bên trái một cuốn sổ nhật ký chi chít chữ có ép mấy cánh hoa hồng đã khô và cái tuổi tri thiên mệnh độc thân. Ông ở tập thể, ít giao du với người ngoài cơ quan, giờ rảnh rỗi đọc sách chuyên môn và tiểu thuyết, riêng 9 giờ tối hàng đêm là ghi nhật ký trên cái bàn nhỏ kê cạnh cửa sổ lúc nào cũng có một lọ hoa hồng tươi. Nhà tập thể chẳng có đất, ông treo cành phong lan luôn đi theo mình vào cây cọc buộc dây phơi quần áo ngoài sân để tiện chăm sóc. Bạn bè rất muốn kiếm cho ông một người bạn đời lúc về già nhưng đều bị ông khéo léo từ chối. Lần ấy, người bạn cùng phòng đem đến giới thiệu cho ông cô em họ khá xinh làm ở dệt kim Đông Xuân đã bốn lăm mà chưa có gì. Ông tránh né bằng cách cúi đầu đọc sách, nhưng khi người ta gọi tên cô là Hoa thì ông  giật mình ngẩng lên chăm chú nhìn cô, cái nhìn như kiếm tìm sự giống nhau không chỉ là cái tên... Rồi ông lại vội vã cúi xuống mắt lơ đãng lần theo trang sách đang đọc giở.
                                                                                          *                                                                                         *   *
Như mọi sáng ngày đầu tuần, sau khi uống trà đọc báo ông khoá cửa xách giỏ đi dọc theo con phố để mua thức ăn và vật dụng cần thiết. Mọi lần chỉ đi hết nửa phố đã mua đủ nhưng lần này mùa đông đã đến, ông cần mua thêm một cái khăn quàng cổ thật ấm để chống chọi với cái rét cắt ruột khi đã qua trải nghiệm một mùa đầu. Vậy là ông đi dần đến cuối phố, thì đây rồi, cửa hàng có treo bán đầy đủ các đồ dùng cần thiết cho mùa đông. Ông chăm chú chọn trong cả đống khăn quàng cổ tìm cái thích hợp cho mình thì bỗng: “ Ô... ô... a... a... Thô... ông!” Ông giật mình ngẩng phắt đầu lên nhìn nơi phát ra tiếng kêu lạc dọng của bà chủ cửa hàng và ngay lập tức ông cũng la lên: “Ho... oa!”Hai người cùng lúc lao đến ôm chặt lấy nhau. Vâng là cái ôm xiết hoà quyện hai xác thịt hai tâm hồn khát khao yêu đương của thuở ban đầu. Cứ thế trong nước mắt, trong tiếng rên đứt đoạn nghẹn ngào... họ chẳng chịu buông nhau ra vì sợ lại sẽ mất nhau như đã gần bốn chục năm qua trong kiếm tìm vô vọng... Chỉ kịp đóng cửa hàng để tránh sự tò mò của hàng phố rồi họ lại hoàn toàn trong nhau...  Cuộc sống tâm linh của hai người vẫn quấn quít bên  nhau trong những năm tháng cách xa, còn bây giờ trong thực tại họ phải gấp rút tận hưởng hạnh phúc lứa đôi ngay ở khoảnh khắc mở đầu. Đêm ấy là đêm tân hôn của hai thực thể còn trinh nguyên...
Sinh Hoa được hơn 2 năm mẹ ngoại tình với anh chàng chuyên bỏ mối kẹo cu đơ Chợ Choi cho Phố Châu, cha bắt được dần cho tình địch một trận lên bờ xuống ruộng rồi bỏ nhà đem Hoa lên ở cái lều săn mà ta đã biết... Ông căm thù mối tình bất chính trong khoảnh khắc làm tan vỡ tổ ấm của mình. Từ đó ngoài công việc ông chẳng hề quan hệ với người khác phái bởi luôn nghi ngờ đức hạnh của họ. Khi Hoa lớn ông quản lý con khá chặt, theo cô từng bước... Cho đến lúc xẩy ra chuyện với Thông, để chấm dứt mọi hậu hoạ ngay lập tức ông đem Hoa rời xa lâm trường Hương Sơn và tất cả những nơi nghi ngờ gần với những hoạt động địa chất. Từ khởi đầu xuôi theo con sông Ngàn Phố ra Bến Thuỷ ông chở đò ngang rồi đò dọc, “... hầu hết thời gian chỉ có hai cha con với sông nước... ” ông bảo thế. Nhưng rồi ở một bến đò ngang nọ có một đoàn địa chất sang sông bằng chính con thuyền của ông, vậy là bỏ thuyền bỏ lái bỏ  dòng sông, ông dắt con lên bờ. Cứ thế, rày đây mai đó làm đủ mọi nghề nhưng chẳng đâu ở lâu vì sợ Thông tìm ra hoặc sự nhòm ngó của đám đàn ông . Với Hoa, cô vui vẻ chấp nhận sự khắt khe cấm đoán giao du với “lũ đàn ông” của cha mặc dù tuổi mỗi ngày một lớn, thanh xuân dần qua đi, bởi với cô sự va chạm đầu đời từ cái bờ vai và kết thúc bởi cái nắm tay hôm nào của Thông là tất cả, cô đã là của anh và tự hứa sẽ tìm ra anh cho kỳ được dù là ở đâu, bất chấp mọi trở ngại, bất chấp thời gian... Sự vất vả rày đây mai đó chấp nhận mọi nghề nặng nhọc với tâm lý luôn lo lắng, bất an khiến người cha lâm bệnh nặng. Trước lúc lâm chung ông gọi Hoa đến bên mình chậm rãi: “Cha đã  làm khổ con nhiều lắm... con cố đi tìm Thông, nếu nó vẫn chờ con  thì chung sống với nó, nói cha thương nó nhiều... ”, câu nói dài nhất, khúc chiết nhất của ông kể từ lúc bị phản bội. Ông quờ tay xuống dưới gối lấy ra một bọc nilông kéo Hoa đến đặt vào lòng con: “... Cả đời cha...  cha cho con...  để sống... ”.
Mồ yên mả đẹp cho cha xong, bà Hoa gạt nước mắt khăn gói theo vết chân các đoàn địa chất đi khắp rừng núi miền Trung cho đến khi mất dấu ở Thanh Hoá thì cũng đã hết trọn một năm trời. Bà quyết định quay lại nơi xuất phát ở Hương Sơn rồi cứ theo con đường số 8 đi đến Bãi Vọt thì dừng lại và cũng đúng lúc Thông về ở đây. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay tiền định? Hoa nghĩ : là ngã ba đường, Thông có trở về quê hương, có tìm Hoa hay tìm về kỷ niệm xưa cũng phải qua đây. Bà mua nhà ở ngay mặt đường 1A và dựng quán đợi chờ...
                                                                                  *
                                                                               *    *
Ba hôm sau, ông dắt vợ từ cửa hàng của bà đi bộ dọc dãy phố thân quen về nhà mình. Họ khoác tay nhau ríu rít chuyện trò như một cặp thanh niên đang yêu.  Bà đi loanh quanh từ trong nhà ra ngoài vườn nghe ông kể về từng thứ đã sống với ông. Nửa giờ sau họ lại khoá cửa giao chìa khoá cho người hàng xóm nhờ trông chừng nhà và chăm sóc mảnh vườn, khoác tay nhau quay về lối cũ. Đồ đạc mang theo là cành phong lan có hoa màu tím, một cụm hồng lớn trồng trong chậu đang lúc nở hoa rực rỡ và cuốn nhật ký chi chít những chữ viết có ép mấy cánh hoa hồng.

9 nhận xét:

  1. Anh gõ bằng font chữ nào mà tôi không đọc được!

    Trả lờiXóa
  2. Lúc nãy anh viết truyện ngắn bằng chữ Thổ Nhĩ Kỳ, bây giờ thì chẳng thấy một chữ Thổ nào nữa, em đang ham đọc truyện ngắn của anh mà lại bị hẫng, chẳng thấy truyện đâu cả.

    Trả lờiXóa

  3. Chào ông anh quý mến!Anh đã chào " lang " bằng một bài viết đầy ấn tượng.
    Truyện ngắn rất cảm động lôi cuốn người đọc từ đầu tới cuối,em đọc một mạch,ngẩng đầu nhìn ra cửa mới biết quá giờ thể dục sáng lâu rồi!
    .

    Trả lờiXóa
  4. Xin cụ Tiến Hoàn cho biết, cụ đã đọc được truyện ngắn của cụ Hân Hà chưa ạ ?
    Nguyên thủy cụ Hân Hà dùng VNI Times ( Chuyển từ USB sang Blog ) thì tác giả ( cụ Hân Hà) đọc được, nhưng người khác không đọc được ( Như cụ Nguyên Hân chẳng hạn). Trong khi phần giới thiệu đầu entry do tác giả gõ thẳng vào trang nháp cho nên không xảy ra sự cố. Mõ tôi đã xóa toàn bộ văn bản truyện ngắn để đem vào W xử lý (sử dụng phần mềm online chuyển đổi Mã/font ). Có thể trong lúc đang xử lý thì cụ mở Blog nên không thấy Truyện ngắn hiện ra. Sau khi hoàn tất thì cụ Huyền, cụ Đồng đã vào và đọc được. Hoặc như Mõ tôi vẫn vào đọc vô tư. Nếu hiện nay cụ vẫn không đọc được ( hoặc trắng xóa) thì cho biết để tôi cầu cứu chuyên gia cao cấp IT.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một truyện ngắn hay, đầy tính nhân văn. Chờ đón những truyện tiếp theo. Xin cảm ơn tác giả !

      Xóa
  6. Truyện ngắn của anh hay và kết thúc có hậu quá. Ngày nay những mối tình như thế này hơi hiếm. Chúc anh viết được nhiều truyện hay nữa.

    Trả lờiXóa
  7. NẾU cô HOA dung quán đọi a THÔNG tói tuổi hưu trí mới gặp nhau thì câu chuyện sẽ tiêp diễn thế nào nhỉ, Chuyện a H sang tác hay dựa trên một chuyện that ?
    ANH tư nhận là con dê QL rồi.QL nhiều dê lắm.
    Chúc anh chị khỏe .

    Trả lờiXóa