Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Truyen ngan






KỶ VẬT




Như mọi ngày, chừng năm giờ ông Hoàng trở dậy ra sân tập thái cực khí công thập bát thức rồi đến bộ bàn ghế đá ở góc sân thực thi công nghệ pha chế để chậm rãi ngồi thưởng thức chén trà nóng ban mai. Mọi thứ cô cháu  đã để sẵn cho ông: tràThái Nguyên - mua tận gốc - lấy từ trong búp sen ao nhà được gói hờ trong đó từ tối hôm qua, chiếc ấm nấu nước nhỏ xíu, bình đựng nước mưa trong vắt múc từ cái chum lớn hứng trực tiếp khi có mưa, chiếc đèn cồn và bộ ấm chén đã được ông tráng nước sôi sau mỗi lúc thưởng trà đặt gọn trong cái thố sành có nắp đậy. Tập thể dục và uống trà sớm là thói quen của ông từ hồi còn ở chiến trường mà trà thường là thứ lá uống được nhần nhận đắng bỏ trong ca quân dụng nấu nước suối. Xong xuôi, ông cầm kéo và cái bình xịt nhỏ chống gậy ra vườn phong lan trước sân rồi quanh quẩn chăm bẵm từng cành lan cho đến tận trưa.
Ông Hoàng nghỉ hưu với cấp bậc trung tướng, đem theo cô cháu nội làm cán bộ phòng nông nghiệp huyện về ở ngôi nhà thờ họ mà ông là vai trưởng ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Ngôi nhà ngói cổ ba gian hai chái có sân lát gạch tàu có ao sau nhà và vườn cây ăn quả phía trước có tường gạch bao quanh cao chừng một mét. Việc đầu tiên ông Hoàng treo cành phong lan đã theo ông qua bao chiến dịch lên một thân cây đã trụi lá do lâu ngày không ai ngó ngàng đến. Từ cành phong lan ấy bạn bè con cháu thấy ông yêu thích loài hoa này nên gặp nó ở đâu thấy đẹp là mua tặng ông cho đến giờ đã thành một vườn lan đủ loại cho ông say mê chăm sóc hàng ngày. Chơi phong lan vừa hao tài vừa tổn lực, khi nó đã phát triển quá sức với tuổi ông thì cô cháu gái bèn nhờ một người bạn chuyên gia của lĩnh vực này làm cùng cơ quan thường xuyên đến  xử lý kỹ thuật,... Có vậy nhưng ông vẫn cứ để nửa ngày như ta biết để chăm loài hoa yêu quí này mà phần lớn thời gian là dành cho cành phong lan ông mang từ chiến trường về.
Đang lúi húi sửa sang ngắm nghía...  Bỗng một vòng tay ôm xiết từ phía sau lưng, ông Hoàng dật mình quay lại:
- Ô cháu Phong! Ra Hà Nội từ bao giờ?
- Dạ từ Nội Bài cháu đi thẳng đến đây!
- Ôi cháu tôi... ! Ông Hoàng thì thầm, hai hàng nước mắt lăn dài trên má.
- Ngày nào má cháu cũng nhắc nhở... Thường xuyên thăm hỏi bác Hoàng... Thế là cháu quyết định phải ra tận nơi coi bác ra sao chứ không thăm hỏi bằng thư từ, điện thoại...  Ông Hoàng lập cập dắt Phong đến bên cành phong lan đang trổ hoa rực rỡ một màu trắng trinh nguyên giữa vườn, cành hoa ông đem từ chiến trường về:
- Nó đây! Nó đã giữ lại một phần thân thể của ba cháu...

*
*   *

Chỉ huy sở bị địch phát hiện. Lập tức một trận oanh kích của đủ loại hoả lực chà đi xát lại hết đợt này đến đợt khác suốt cả đêm hôm ấy và ngày hôm sau. Rất may sư đoàn bộ không hề gì do công sự chắc chắn và rút kịp sau trận oanh kích thăm dò đầu tiên của lũ trực thăng thám báo. Duy có Trung, một chiến sĩ trong trung đội bảo vệ, đã hi sinh do làm nhiệm vụ cảnh giới trên mặt đất. Trung là chiến sĩ  người Củ Chi được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ trưởng Hoàng. Anh nhanh nhẹn, tháo vát chiến đấu gan lì dũng cảm và cũng rất  thông minh sáng dạ nên được rút lên sư đoàn. Thủ trưởng Hoàng thương anh như thương cậu em út. Sáng sáng anh vẫn thường cùng tập thể dục với ông, múc nước suối về đun sôi dành dụm và kiếm trà cho ông uống sáng. Trung hi sinh, ông như đứt từng khúc ruột, nhưng trước đơn vị ông không tỏ ra một khoảnh khắc mềm yếu nào, tinh mắt một chút trong phút nghỉ ngơi ngắn ngủi ta thấy mắt ông xa xăm vô hồn mặt đanh lại... Rồi nửa tháng sau, ông dắt theo một tiểu đội bảo vệ đêm đến cắt rừng trở về nơi đóng quân nọ. Thầy trò hì hục đào bới tìm kiếm đến gần sáng cũng chẳng thấy gì. Trước khi quay lại đơn vị, các chiến sĩ mắc võng  cho ông ngả lưng giây lát. Mệt quá ông thiếp đi... Trong mơ bỗng thấy một bông lan trắng toát như bay lại mình...  Ông giật mình tỉnh giấc, dụi mắt nhìn...  Mơ hay thực? Ngay trên đầu, trong những giọt ánh sáng ban mai đầu tiên lọt xuống khu rừng rậm này hiển hiện một cành phong lan nở rộ một bông hoa trắng . Ông đứng thẳng dậy chăm chú nhìn thì thấy ngay trên bông hoa ấy có một vật màu đen tựa bàn tay người, như có linh tính mách bảo ông vội vàng ôm chặt thân cây trườn người lên lột cành phong lan xuống. Mọi người xúm xít vây quanh. Thật kỳ lạ, đúng là bàn tay trái người đã khô lại, ở một ngón có đeo chiếc nhẫn màu trắng bạc trên mặt có khắc hai chữ T và L khéo léo lồng vào nhau. Cả đơn vị ai cũng biết đó là chiếc nhẫn của Trung hì hụi mài gọt cắt giũa vào những lúc nghỉ ngơi suốt mấy tháng trời từ mảnh xác máy bay nhặt được và L là Liên tên người vợ du kích Củ Chi đã tiễn anh vào bộ đội giải phóng lúc Phong, con trai của hai người 7 tuổi. Ông Hoàng lấy chiếc khăn thận trọng gói bàn tay của Trung, bên ngoài còn bọc thêm một lớp  vải dù rồi cất vào xắc cốt công vụ đoạn thắp hương vái lạy tạm biệt hương hồn người chiến sĩ trẻ với tâm nguyện sẽ quay lại tìm những phần thi thể còn lại. Ông buộc cành phong lan toòn teng vào ba lô rồi cùng các chiến sĩ bảo vệ cắt rừng trở về đơn vị. Từ đó trên mọi nẻo đường chiến trường  khốc liệt, nơi mà chiến đấu và hi sinh luôn cận kề với mọi người lính quân cũng như tướng, những kỷ vật ấy luôn bên ông. Cành phong lan chỉ rời chiếc ba lô con cóc khi đến một nơi đóng quân để nằm vắt vẻo trên một cành cây cạnh hầm chỉ huy còn bàn tay thì lúc nào cũng nằm trong xắc cốt công vụ,  vật bất ly thân, kể cả lúc ông ngủ.
Đêm ấy đơn vị đóng quân trên một quả đồi. Ông Hoàng đang ngồi làm việc với các sĩ quan trực thuộc bên tấm bản đồ quân sự chợt cảm thấy cực kỳ mỏi mệt, hai mắt díp lại cố cưõng cũng không nổi, ông vội vã chui ra khỏi hầm chỉ huy vươn vai làm các động tác thể dục chống mệt mỏi rồi trở vào làm việc tiếp. Mọi cố gắng đều vô hiệu, ông gục xuống bàn một bên má úp xuống chiếc xắc cốt ngủ thiếp đi, các sĩ quan thương thủ trưởng quá vất vả ngồi lặng yên bên ông... Chợt ông Hoàng bừng tỉnh, dõng dạc ra lệnh:
- Các đơn vị lập tức rời khỏi nơi đóng quân, cấp tốc cắt rừng hành quân theo hướng tây bắc. Địa điểm đến sẽ được phổ biến trên đường hành quân!
Lệnh được khẩn trương thi hành song trong đầu các sĩ quan tham mưu các chỉ huy đơn vị đều luẩn quẩn một dấu hỏi: sao chẳng thấy một dấu hiệu gì nơi quân báo và cả trong linh cảm chiến trường khá nhạy bén của những sĩ quan đánh dư trăm trận? Rồi cũng chỉ mười lăm phút sau, nhiều loạt tiếng nổ đinh tai và một vầng bão lửa trùm kín sau lưng đơn vị nơi họ vừa mới rút đi... Đến chỗ tập kết, kiểm tra lại toàn đơn vị đều bình an vô sự chỉ có bộ phận thu dọn bảo mật chỗ đóng quân một tích tắc chủ quan rút chậm nên đã hi sinh tất cả. Số là trong những giây phút thiếp đi trên bàn, tai ông Hoàng bỗng nghe văng vẳng tiếng gọi dồn dập của Trung: thủ trưởng! Thủ trươ... ưởng! Cho đơn vị rút ngay , B52 rải bom toạ độ toàn khu vực đóng quân...
Sau này, trên các nẻo đường chiến dịch cho đến ngày toàn thắng, một vài lần ông Hoàng cũng nhận được sự nhắc nhở trong chiêm bao từ người lính ấy và đều được xác tín.
Một ngày đầu tháng 5-1975, ông Hoàng về Củ Chi tìm đến nhà Trung. Vết tích chiến tranh của vùng đất thép bom cày đạn xới vẫn còn nguyên vẹn. Tiếp ông trong căn nhà tranh mà năm lần bảy lượt dựng đi dựng lại, bà Liên nghẹn ngào bên bàn thờ chồng:
- Ảnh dặn em lo nuôi con, giữ dìn sức khoẻ... Thây kệ nhà cửa đồ đạc, ngày chiến thắng ảnh về xây nhà lầu sắm đồ xịn cho mẹ con em dùng, vậy mà... Anh ơi, chỉ huy của anh về thăm đây nè... !
Ông Hoàng thắp hương , đứng lặng hồi lâu bên bàn thờ người đồng đội cực kỳ thân thương. Nhìn Phong, cậu con trai từ lâu đã đến đứng cạnh mẹ nay đang học năm cuối cùng của bậc phổ thông , ông Hoàng như thấy lại người lính bảo vệ của mình, cha con họ giống nhau quá chừng. Ông kéo Phong lại bàn, lấy ra một tấm bản đồ nhỏ giải thích:
- Đây là vùng đơn vị đóng quân, chỗ có đánh dấu bằng bút chì màu đỏ là nơi ba cháu hi sinh, bác và đồng đội đã về tìm mà chưa thấy thi thể của ba cháu, bác đưa bản đồ này và giao cho cháu trách nhiệm tìm và đưa ba về với mẹ con.
Trước lúc chia tay, ông Hoàng lấy từ túi áo ngực một hộp nhỏ màu đỏ cẩn thận trao cho bà Liên, hộp đựng chiếc nhẫn Trung làm từ mảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi...


*
*   *

Phong dìu ông Hoàng vào ngồi trên bộ bàn ghế bằng đá để ở góc sân:
- Bác ơi! Đã bao lần hai má con cháu đi về tận nơi theo tấm bản đồ bác cho mà không thể nào tìm được một chút gì của ba cháu. Ông Hoàng ngồi bất động mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời nam như hồi tưởng, như đắn đo... Một lát, ông quyết đoán đứng bật dậy lật đật dắt tay Phong đi vào nhà. Đến trước bàn thờ đặt ngay giữa nhà ông thắp ba nén nhang rồi lầm rầm khấn:
-... Chú có linh thiêng thì chứng giám cho lòng thành của vợ con... Chú đã theo anh đi khắp chiến trường miền nam, về ở với anh nơi vùng quê ngoại thành Hà Nội, vợ con  đã tìm chú suốt bao năm nay mà không được, nay cháu ra đây anh phải rứt ruột trao lại một phần thân thể của chú để vợ con luôn được bên  chú...
Ông Hoàng chỉ tay lên một cái hộp bằng sứ màu xanh ngọc đã được gắn kín để trên chiếc bàn sơn son thếp vàng ngay sau bát hương:
           -Trong đó là bàn tay trái của ba cháu có đeo chiếc nhẫn mà bác đã trao cho má ngày mới giải phóng, bàn tay nằm yên lành trong cành phong lan mà khi nãy bác đã chỉ cho cháu. Tất cả đều do sự mách bảo kỳ diệu mà bác đã tìm được nơi ba cháu hi sinh nửa tháng sau đó. Và tất cả cũng cùng đi trận với bác cho đến ngày toàn thắng... Nay bác gi

lại cành phong lan, như phần hồn của ba cháu, làm bầu bạn. Còn bàn tay, bác đã xử lý cho luôn khô sạch
trước khi đặt vào hộp gắn kín, bác giao lại để má con cháu thờ phụng.